Theo thống kê của Hội Phẫu thuật Cột sống Hoa Kỳ (AAOS), khoảng 80% người bị thoát vị đĩa đệm có thể được điều trị thành công mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, khoảng 20% người bệnh có thể không khỏi hoàn toàn hoặc tái phát bệnh sau khi điều trị.
Tỷ lệ không khỏi thoát vị đĩa đệm có thể thay đổi tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh, vị trí thoát vị, tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh. Ngoài ra, quá trình điều trị cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ này.
Ths.BS.CKII Dương Minh Trí (Phó Trưởng Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh Viện Nhân Dân Gia Định) đã có chia sẻ xoay quanh việc điều trị thoát vị đĩa đệm.
Tự ý ngưng thuốc – Sai lầm của bệnh nhân khi điều trị thoát vị đĩa đệm
Theo Ths.BS.CKII Dương Minh Trí: “Thoát vị đĩa đệm là bệnh mãn tính và phải chữa trị kéo dài. Khi bệnh nhân xuất hiện các cơn đau cấp, bác sĩ sẽ kê đơn để điều trị các đợt cấp ban đầu. Trong lúc dùng thuốc, cơn đau cấp sẽ giảm bớt khiến bệnh nhân nhầm tưởng rằng đã hết bệnh và dừng điều trị theo phác đồ của bác sĩ”
Tự ý ngưng thuốc chính là sai lầm thường thấy nhất của bệnh nhân điều trị thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, sau một thời gian, các cơn đau nhức xương khớp quay trở lại, người bệnh tự ý mua thuốc theo toa thuốc cũ mà không thăm khám y tế. Tuy nhiên, toa thuốc sẽ được bác sĩ thay đổi tùy thuộc vào tình trạng bệnh và tình trạng cơ địa của bệnh nhân. Bệnh nhân có bệnh nền hay không? Có đáp ứng tốt với điều trị hay không?
Điều này dễ dẫn đến nguy cơ phát hiện bệnh trễ, bỏ lỡ “thời điểm vàng” chẩn đoán và điều trị bệnh.
Lời khuyên của chuyên gia về việc bệnh nhân thường dùng lại toa thuốc cũ
BS.Trí chia sẻ: “Trong toa thuốc chữa bệnh xương khớp thường có thuốc kháng viêm giảm đau. Các loại thuốc này ngoại trừ công dụng giảm đau nhức xương khớp thì còn kèm theo đó là tác dụng phụ rất nhiều.”
Nếu bệnh nhân dùng thuốc giảm đau liều cao và lâu ngày (trên 2 tuần trở lên là lâu ngày) mà không có hướng dẫn của bác sĩ sẽ dẫn đến nguy cơ gặp phải tác dụng phụ trên đường tiêu hoá, dạ dày, tăng huyết áp, phù suy tim, bệnh thận, huyết áp cao…
Vì vậy, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm nên thăm khám theo phác đồ điều trị của bác sĩ để nâng cao tỷ lệ chữa khỏi bệnh.