Bệnh cơ xương khớp đang ngày càng trẻ hoá

Ths.Bs CKII Hồ Phạm Thục Lan (Trung tâm Nghiên cứu Y sinh, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho rằng bệnh cơ xương khớp dù không nguy kịch như các bệnh lý khác nhưng gây ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của bệnh nhân. Đó là lý do tại sao chúng ta nên hiểu đúng, hiểu đủ về nhóm bệnh lý này. 

Nguyên nhân bệnh cơ xương khớp ngày càng trẻ hoá và phổ biến

Theo Ths.Bs CKII Hồ Phạm Thục Lan chia sẻ: “Có nhiều nguyên nhân nhưng có 2 nguyên nhân chính là lão hoá dân số và đô thị hoá.”

Thứ nhất, nguyên nhân do lão hoá dân số làm gia tăng bệnh cơ xương khớp. Bệnh cơ xương khớp trải dài từ bé đến già, nhưng tập trung nhiều nhất ở nhóm người cao tuổi. Tình hình lão hoá ở Việt Nam rất đáng lo ngại, theo thống kê năm 2019 thì khoảng 12% dân số trên 60 tuổi, đến năm 2022 thì con số này đã tăng đến 17% và dự kiến đến năm 2050 con số này sẽ lên đến 25%, tức ¼ dân số là người lớn tuổi. Điều này cũng có nghĩa là ¼ dân số nước ta có nguy cơ mắc phải các căn bệnh cơ xương khớp vào khoảng năm 2050. 

Thứ hai, nguyên nhân đô thị hoá ở nước ta. Việt Nam là đất nước đang có tốc độ phát triển nhanh. Vấn đề đô thị hoá trải rộng làm thay đổi lối sống của cong người. Từ lối sống năng động, hoạt động nhiều chuyển sang thụ động, ngồi nhiều, ít vận động và thường xuyên ăn thức ăn nhanh. Sự thay đổi lối sống này góp phần làm bệnh lý cơ xương khớp phổ biến và trẻ hoá. 

Mất khả năng vận động khi không chữa bệnh cơ xương khớp kịp thời

Triệu chứng đầu tiên của bệnh cơ xương khớp là triệu chứng đau, có thể chuyển từ đau cấp sang đau mãn tính khi không điều trị bệnh kịp thời. Cơn đau làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây mất chức năng vận động, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần (suy nhược thần kinh, lo âu, trầm cảm) khiến bệnh nhân không hoà nhập vào cộng đồng.